Lời nói…gió không bay hay câu chuyện về Growth Mindset

 
Mình có cô bạn nhỏ cùng làm việc với mình, mình sẽ la bạn khi bạn làm không đúng. Gọi là “la” nhưng sẽ bao gồm nhiều cung bậc từ nhẹ nhàng như “góp ý” “căn dặn”, cho đến hơi bực bội tí là “tỏ thái độ không hài lòng”, hoặc có khi là “dằn mặt”.
Bạn rất hiền và dễ thương, luôn nhanh chóng nhận lỗi về mình. Mỗi lần nhận lỗi, bạn luôn kèm theo một câu cảm thán “em não cá vàng”, “em nhanh nhảu đoảng”, “em thiệt là vụng về”.....Mình nghe là thấy nhột nhột, vừa thương thương mà cũng hơi bực bực. Mình la cổ vì công việc cổ hoàn thành không đúng yêu cầu, chứ đâu có đụng gì đến con người cổ đâu chời ơi.
Từ chuyện của bạn, quay lại nhìn cách nói chuyện của mình với con.
Hồi xửa xừa xưa...mỗi lần con làm điều gì không đúng, hai vợ chồng hay nhắc “con đừng làm ...abc...xyz…”. Cho đến ngày hai vợ chồng quyết định dừng nói theo kiểu đó, mà chuyển sang thành nói điều ba mẹ muốn con làm. Ví dụ thay vì “con không được nói lớn tiếng như vậy”, sẽ chuyển thành “ba muốn con bình tĩnh và nói với âm lượng vừa đủ”.
Bước thứ hai mà vợ chồng mình đang tập, và cũng nhắc ông bà để ý, là khi góp ý cho con, chỉ tập trung vào sự việc, không phóng đại lên thành “con người con”, kiểu như “nói hoài mà không chịu nghe”, “lớn sao mà tồ vậy”, hay là “ăn nói thiếu suy nghĩ”.
Bước thứ ba là bắt đầu nói với con theo tư duy mở - growth mindset. Nhà có 2 đứa con, một bạn thì tư duy mở thấy rõ, bạn cần mẫn tập luyện cho những thứ bạn ấy thích. Bạn còn lại, thì mỗi lần nói chuyện với bạn, mẹ phải hít thở mấy thùng oxy để giữ bình tĩnh. Nói về tư duy mở, bữa nào sẽ nói một bài riêng, nhưng đại ý là nếu con nhìn nhận mọi việc theo hướng tư duy mở, con sẽ biết mọi thứ trên đời này không có gì là bất biến, kể cả năng lực và tư duy của con.
Bước thứ tư là dần dần hỏi con về điều muốn làm hơn là điều ba mẹ muốn con làm, dĩ nhiên là vẫn trong phạm vi cho phép. Hỏi “con muốn gì?”, bạn ấy nói “muốn đọc truyện tranh cả ngày” mẹ mà đồng ý mới là lạ.
Quay lại cô bạn nhỏ ở trên, vì cô trên 18 tuổi, đủ tuổi trưởng thành rồi, nên một ngày đẹp trời, mình chia sẻ góc nhìn của mình, vì cách bạn nhìn về chính bạn, mình thấy không ổn. Mình cảm thấy rất tội lỗi mỗi khi góp ý cho bạn, vì cứ nói đến bạn, là bạn lại bi quan về chính mình. Hỏi ra mới biết cách bạn nhìn mình là từ người khác nhìn về bạn, những người khác đó sẽ là ba má, là người yêu, là anh chị em trong nhà. Mà những người khác đó, khi nói chuyện với bạn, luôn dùng những từ ngữ để định nghĩa con người bạn.
Dễ sợ hông??? Sợ quá đi chớ.
Nhớ hồi đi học, bạn bè kêu “con này mít ướt, hay khóc nhè”, làm mình mất cả tuổi thanh xuân không coi phim Hàn Quốc để tập không khóc nhè. Giờ mới thấy dại dễ sợ. Khi lớn lên, mình cứ hay bị gán chuyện “thể chất yếu đuối” nên mình hay tưởng vậy thiệt, đến khi có con, không khỏe thì chả ai chăm con, mới thấy mình trâu bò lì lợm. Nên từ đó mới thấy, mình thích mình như thế nào, thì mình sẽ có như thế ấy. Mỗi ngày ngồi nói với mình “mình ngốc quá”, thì đến thiên tài nó cũng thành ngốc thật.
Nên đừng để lời nói định nghĩa bất kỳ ai, nhất là đối với những bạn nhỏ chưa đủ tuổi trưởng thành về mặt nhận thức để phân biệt đâu là nói đùa và nói thiệt, đâu là phản hồi hay là tấn công “nói cho sướng miệng”.
Nếu có dùng những từ liên quan đến “con người”, hãy nói ra điều mình muốn, nếu thật lòng muốn giúp đỡ.
Đặng Thị Lan Hương
09/07/2018

Đặng Thị Lan Hương

View posts by Đặng Thị Lan Hương
Hương mong muốn nâng cao chất lượng cuộc sống của cá nhân và gia đình bằng công việc của một người coach, giúp cho cá nhân nhận thức về cách tư duy, lối suy nghĩ, càm xúc và hành vi của bản thân, từ đó có những thay đổi đột phá cho công việc, cuộc sống cá nhân và gia đình.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to top