THẾ GIỚI THAY ĐỔI VÀ CÁCH TUYỂN DỤNG CŨNG THAY ĐỔI
Tôi có một trải nghiệm thú vị về việc ngồi phỏng vấn người khác gần đây. Bên thuê chúng tôi họ có những tiêu chuẩn rõ ràng về ứng viên mà họ đang tìm kiếm. Và có một loạt những câu hỏi mà họ tin rằng những câu trả lời từ ứng viên sẽ giúp họ đánh giá được mức độ “khớp nhau” giữa cái ứng viên có và tiêu chuẩn họ kiếm tìm.
Tôi học được rất nhiều từ trải nghiệm này.
? Dành cho người đi phỏng vấn:
Tôi thấy buồn cười chính mình về cách mình phỏng vấn nhân sự trong gần 15 năm làm việc. Hoặc là tôi tệ, hoặc là bản thân tôi chưa bao giờ được đào tạo một cách chính thức về việc phỏng vấn người khác. Bởi tôi đâu có làm công tác nhân sự. Tôi từng phỏng vấn với vai trò người sử dụng nhân sự trực tiếp!
Nhưng khi tôi ngồi đó, và quan sát các bạn làm công tác nhân sự đặt câu hỏi, tôi biết rằng các bạn ấy cũng giống như tôi cách đây 12 năm (3 năm còn lại tôi bắt đầu học coach nên câu hỏi cũng đỡ hơn). Hỏi mà thật sự không biết câu trả lời giải đáp được điều gì mà các bạn đang tìm kiếm. Hay nói cách khác, các bạn không biết mình đang tìm kiếm gì?
? Dành cho người được phỏng vấn:
Tôi nhớ những ngày mình phỏng vấn người học cho các khoá học. Tôi sẽ từ chối 50% những người tôi phỏng vấn. Bởi tôi có một hình dung và hình ảnh trong đầu khi ghép các câu trả lời của bạn để hiểu rằng bạn có thực sự muốn và thực sự có thể làm được công việc đó hay không. Đó là khi tôi chỉ đơn thuần dùng kỹ năng coach + chút xíu sự phán đoán và kinh nghiệm bản thân. Những bạn học coach đọc đến đây có thể “aha, cô này phán xét rồi”.
Thế giới xây dựng “hệ thống phán xét” ngày càng tinh vi và chuyên nghiệp. Và khi bạn bước vào phỏng vấn, bạn đang chấp nhận “sự đánh giá và phán xét” từ những người có thể có kinh nghiệm hơn bạn. Việc trả lời các bảng câu hỏi, dù là hệ thống bài bản như MBTI, DiSC…cho đến các câu hỏi cơ bản khi phỏng vấn tuyển dụng, bạn đang đặt mình vào chế độ để một bên khác “đánh giá” mình.
Điều tôi muốn chia sẻ ở đây là gì?
NHẬN DIỆN ĐIỀU BẠN CÓ VÀ ĐIỀU BẠN MUỐN CÀNG RÕ RÀNG, SỰ ĐÁNH GIÁ CỦA CHÍNH BẠN VỀ MÌNH VS SỰ ĐÁNH GIÁ CỦA CÁC HỆ THỐNG VỀ BẠN SẼ GẦN NHAU HƠN.
Và khả năng bạn có thể làm tốt công việc bạn mà bạn_nghĩ_là_bạn_có_thể_làm_tốt cũng sẽ cao hơn.
Điều này cũng có nghĩa là, các bạn không cần phải gồng mình lên rất nhiều để “đánh bóng” bản thân mình, từ việc trau chuốt CV cho đến việc tỏ ra mình “nhiều kinh nghiệm”. Vì thật sự, điều nhà tuyển dụng quan tâm chính là khả năng “thực chiến” của bạn. Và các bảng câu hỏi, sẽ tìm cách lột hết các lớp màu mè bên ngoài để tìm được con người thực sự của bạn.
Nghe có vẻ giống COACHING?
? Dành cho cả hai phía:
Đây chỉ là phần Pre – Coaching! Khi bạn biết bạn là ai, thì chuyện bạn muốn gì và có thể làm gì cho điều bạn muốn mới thực sự mang lại “hiệu quả thực”. Phỏng vấn cũng chính là quá trình “Pre- Coaching” để tìm kiếm những con người thực sự biết mình là ai!
Đừng để bước vào Coaching và tìm kiếm cho mình câu trả lời “Tôi là ai?”.
Đặng Lan Hương
02/07/2019
———————
Bài được viết sau khi đọc bài phỏng vấn cô Melissa Nguyen, đến từ Gôgle. : Sếp nữ gốc Việt chia sẻ quy trình tuyển dụng ở Google: Chúng tôi tìm kiếm tài năng dạng thô, ứng viên giỏi xoay sở, chứ không ưu tiên kinh nghiệm