Chi tiết tạo nên sự khác biệt, hay là câu chuyện về sự tinh tế

Khi Hương là người hướng dẫn trong các khóa đào tạo coach theo tiêu chuẩn quốc tế ICF, Hương thường được các bạn học viên nhận xét thấy mình rất chi tiết và tỉ mỉ. Nói đến biểu hiện hành xử ra bên ngoài của con người, trong giới coach thì có nhiều công cụ là giúp mình hiểu mình hiểu người. Vì vậy khi nói chuyện với nhau, hay hỏi về MBTI, DiSC của nhau các kiểu (cách xài khác nhau nhau, ở đây không nói chi tiết).

Hương khẳng định luôn, Hương không phải là một người chi tiết. Hương là người thiên về tổng thể và chiến lược. Cái mà các bạn thấy cách Hương thể hiện ra bên ngoài, cách Hương phát hiện một người đang không ổn, cách Hương hiểu người đối diện đang muốn gì, với Hương đó là sự “tinh tế”.

Mỗi một hoàn cảnh và tình huống khác nhau, định nghĩa “tinh tế” sẽ khác. Trong bối cảnh người đi làm, với Hương, tinh tế chính là để ý những điều chi tiết nho nhỏ nhưng lại tạo nên tác động lớn đến những đối tác làm việc cùng với mình (bao gồm sếp, đối tác, và đồng nghiệp).

Điều gì tạo nên sự tinh tế của một người trưởng thành đi làm? ???

? Tinh tế là do được chỉ bảo mà thành

Mình chọn nói ý này trước, vì với mình nó cực kỳ quan trọng. Bạn sống sao mà người ta chịu chỉ bạn là được ?

Nếu các bạn đọc các bài trước đó của mình, sẽ biết hồi đại học mình tham gia các hoạt động phong trào, làm đủ thứ từ biên tập và xuất bản tập san, tổ chức sự kiện, đi xin tài trợ….. Ngày đó, người đàn chị trưởng nhóm trước đó, chị T.H dìu dắt mình. Khi đi cùng chị, là mình được học biết bao nhiêu là thứ mà trường lớp không dạy, và cũng chẳng ai dạy mình.
– Khi đi in poster, khi nào thì cần “cán bóng” và khi nào cần “cán mờ”?
– Tại sao những bài viết quan trọng luôn nằm bên tay phải. Tại sao giá quảng cáo cho bên tay phải luôn đắt hơn tay trái?

Ti tỉ những thứ mà chỉ có dân trong ngành in hay thiết kế mới phải học…Mỗi lần thấy mình ngơ ngác, là chị bồi luôn “những chi tiết nhỏ này, là điều cho thấy em có thật sự hiểu cái em đang làm hay không, và nói cho người khác biết, tui không phải tay mơ à nha!” (câu này mình không nhớ chính xác, đại ý là vậy, chị H có đọc, lượng thứ cho em kaka).
Ừ thì mình nghĩ những thứ này đang cần lúc mình còn đang hoạt động với vai trò Trưởng nhóm của một nhóm học thuật nghiên cứu. Đâu ngờ nó có ích cho sự nghiệp mình sau này.

Học tài chính, vậy mà ra trường làm PR và đi tổ chức sự kiện. Khi mình làm việc với đối tác, mình chỉ cần nói cho anh nghe sự khác biệt của “cán bóng” hay “cán mờ” là một công ty quảng cáo lớn nhất nhì Sài Gòn thời điểm đó mời mình về làm việc. Đi gặp các anh chị báo chí, nì nằn cho bằng được xuất hiện tin ở đâu, là người ta nhìn mình khác liền, ah hóa ra con bé này có nghề haha…

☀️ Bạn không cần phải là chuyên gia, nhưng khi bạn ngồi với những người giỏi là chịu khó góp nhặt bài học tinh tuý cho đời mình, và xài đúng lúc, đúng thời điểm, là bạn hơn 100 người còn lại rồi.

? Tinh tế là do rèn luyện mà thành

Đi làm, tưởng mình cũng hơn người lắm, nên cái gì bị chê là ấm ức đến nhịn cơm vài tiếng đồng hồ.

Hồi xưa không biết sau này có facebook, chứ mà biết có, thì sẽ ráng chụp hình lưu giữ lại những tờ văn bản mình làm bị quẹt sửa be bét. Mỗi lần đưa tờ trình qua cho sếp, cứ mỗi cái nhíu mày của sếp, cây bút chì sếp đưa quẹt quẹt là gào thét trong lòng (em cố hết sức rồi đó sếp). Sửa được vài lần vậy, sếp cho đi trình lên sếp cao hơn.

Lên sếp cao hơn, quy trình lặp lại y chang, mà sếp này đâu có rảnh sửa câu chữ, sếp quẹt ý không ah. Và đó là lúc mình thật sự học hỏi là tại sao thế này thì được, mà thế kia không được…Quá trình đó lặp đi lặp lại và mình bắt đầu học cách nắm bắt là khi nào một việc hoàn thành được coi là tạm ổn trước khi trình lên sếp.

Quy trình đó lặp lại qua từng người sếp mình được làm việc cùng nhưng thời gian để học hỏi và nắm bắt phong cách làm việc của từng người sếp sẽ nhanh hơn. Thậm chí cùng lúc làm việc với nhiều người sếp, mình sẽ biết văn bản nào đúng ý sếp nào ?. Đó không phải vì mình thông minh, hay giỏi, mà chỉ là mình thực sự mở lòng mình ra, đón nhận và học hỏi, và chấp nhận làm đi làm lại cho đến khi có được sự công nhận từ người khác.

☀️ Thầy mình từng dạy “làm bất kỳ công việc gì, cho phép mình thả bàn đạp của mình về số 0, thì mới bắt đầu vào số và vọt lẹ”. Đi làm, chỉ cần bạn đứng ở góc nhìn của một người không biết gì, bạn sẽ tiến xa hơn là bạn tưởng bạn đang biết.

? Tinh tế là do học hỏi mà thành.

Sau quá trình ra làm riêng, đi “tạo nghiệp” đủ kiểu, mình mới nhận ra rằng, có thể làm những điều nho nhỏ để trở nên hoàn hảo, thì không thể trông chờ bất cứ ai chỉ bảo hoặc chờ thách thức đến để thực hiện việc rèn luyện.

Vì sẽ đến lúc, bạn không còn dưới quyền ai đó để nghe chỉ bảo. Và cũng là lúc bạn không phải giải trình với ai về những thứ bạn đang làm (trừ khách hàng, dĩ nhiên).

Cách duy nhất là học hỏi, tự mình học hỏi.

Những người thành công đều có bộ lạc của những người thành công. Càng ở cạnh người giỏi, ta thấy mình tiến bộ. Không chỉ là kiến thức, mà là bể trời mênh mông của cách suy nghĩ, cách hành xử và phong thái con người.

Tinh tế không phải là giả tạo, mà chính là thấy được điều người khác ít thấy, học được điều là bí quyết tạo nên thành công của sự vật/sự việc/con người.

Đừng nghĩ cứ đi làm lâu năm, chức càng cao sẽ tự nhiên có được những điều này.

Tinh tế trong từng việc nhỏ ta làm ngày hôm nay, để con người tinh tế được nuôi dưỡng hàng ngày. Một ngày nào đó khi bạn là “bá chủ thiên hạ” (hay “bá chủ ao làng” cũng được ?), bạn sẽ không cần lo lắng phải thay đổi con người mình cho phù hợp với vị trí. Khi tinh tế trở thành phẩm chất định nghĩa bạn, thành công là tất yếu. ❤️❤️❤️

Đặng Lan Hương
14/11/2018

46190040_2231018110468675_7427137115038679040_n

Đặng Thị Lan Hương

View posts by Đặng Thị Lan Hương
Hương mong muốn nâng cao chất lượng cuộc sống của cá nhân và gia đình bằng công việc của một người coach, giúp cho cá nhân nhận thức về cách tư duy, lối suy nghĩ, càm xúc và hành vi của bản thân, từ đó có những thay đổi đột phá cho công việc, cuộc sống cá nhân và gia đình.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to top