Bí quyết chọn công ty

Khi dạy về quản lý tài chính cá nhân, phần học “bị” thắc mắc nhiều nhất là “chọn công ty để làm việc”. Thắc mắc lớn nhất là: dạy cái này có liên quan gì đến quản lý tài chính cá nhân?

Có chứ! Nó quyết định thu nhập của khoảng 80% người sống quanh mình. Không tin vui lòng đếm thử. Có thu nhập thì mới bàn tiếp đến chuyện quản lý thu nhập sao, chi tiêu sao, tiết kiệm thế nào…bla…bla…

Mà mình hỏi vòng vòng các bạn trẻ mình có cơ hội gặp rồi. Khi ra trường, không ai nói cho các bạn biết: chọn công ty nào để làm việc, cần có chiến lược rõ ràng. Bài viết tạm gác vụ đam mê các kiểu qua một bên. Mình chỉ tập trung nói về chuyện cách bạn chọn công ty đi làm nó ảnh hưởng trực tiếp đến túi tiền của bạn như thế nào.

Phạm vi áp dụng: các bạn mới ra trường đi làm trong vòng 05 năm đầu. Lên đến manager, director các kiểu mời inbox đặt lịch coaching riêng nhá.

1. Tăng trưởng và doanh thu của công ty

Yếu tố quyết định tăng lương nhiều hay ít hay thậm chí không tăng lương là phụ thuộc vào chuyện này.

Mình hướng dẫn cho các bạn trẻ coi bảng báo cái tài chính của các công ty. Chỉ cần toán lớp 4 là bạn có thể biết con số tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận của công ty. Công ty có sự tăng trưởng, quỹ lương chắc chắn tăng, và “khả năng” mức lương của bạn tăng theo thời gian là có thật. Ít nhất cũng là 15-20%/năm.

Thử hình dung, mỗi năm số tiền bạn tiết kiệm cũng tăng trưởng 20%? Wow, không nhỏ đâu.

Nếu lâu quá bạn không được tăng lương, thì khi công ty ăn nên làm ra, mở miệng xin tăng lương nó cũng hợp lý quá đi chớ.

2. Quy mô công ty

Yếu tố quyết định thăng tiến hay không, nhìn vào quy mô và cấu trúc nhân sự của một công ty.

Từng có một học viên hỏi mình: em đang làm trainer chính của công ty, làm thế nào để tăng thu nhập của mình? Vậy thì phải hỏi tiếp “trường hợp nào thì lương em sẽ tăng?”. Muốn tăng thêm việc cũng không có việc để tăng, vì quy mô công ty chỉ như vậy, và người chủ cũng chỉ muốn duy trì như thế.

Vậy chỉ còn một con đường, mở đường máu vào các công ty lớn, chấp nhận mất vị trí trainer chính, thậm chí trở thành trainer học việc. Nhưng cơ hội chắc chắn sẽ mở!

3. Thương hiệu công ty

Tại sao bà con thích đổ xô vào các brand lớn làm việc? Và sau 5 năm lại đổ xô ra khỏi các brand lớn?

Lương khởi điểm các công ty nước ngoài, hay thương hiệu lớn thường cao hơn. Nhưng tốc độ tăng thì chậm hơn, trừ phi bạn có tốc độ thăng tiến vượt bậc. Lương thấp hơn, nhưng cái bạn có là thương hiệu công ty. Các công ty quy mô vừa của Việt Nam sẵn sàng trải thảm đỏ mời các bạn có vài năm kinh nghiệm Big Four về làm việc với mức lương tăng gấp rưỡi hay thậm chí gấp đôi. Đó là danh tiếng.

Nói là nhân viên của U mảng bột giặt vẫn hơn nói làm Lix hay bột giặt Vì Dân. Cho dù chưa chắc về kỹ năng thì ai hơn ai. Lăn lộn với ngành bột giặt vài năm, nhiều lúc ra mở được công ty riêng hay đi làm chuyên viên tư vấn ngược lại cho các nhãn hàng của U. Đó là kinh nghiệm.

Công ty dẫn đầu, lương cao nhưng ổn định. Công ty theo đuôi, sẵn sàng trả lương cao ngút ngàn đón người về. Đó là tiền.

Nên bạn đang ở trong giai đoạn nào, thì biết là mình cần gì ở giai đoạn đó: Tiền, danh tiếng hay kinh nghiệm.

4. Khởi nghiệp

Mỗi lần nhắc đến làm việc ở các công ty khởi nghiệp, mình hay nhớ đến câu chuyện của Sheryl Sanberg chia sẻ trong cuốn sách “Dấn thân”. Đại ý là khi Google mời cô về làm cùng, cô háo hức, nhưng lo lắng với chuyện Google lúc đó thực chất chẳng có gì để kinh doanh, công việc rất mơ hồ.

Eric Schmidt nói với cô rằng: “Tiêu chuẩn quan trọng khi chọn công việc – tăng trưởng nhanh. Khi ai đó mời bạn lên một cái hỏa tiễn, việc của bạn là kiếm một chỗ thôi, ngồi đâu cũng được.”. Khi công ty tăng trưởng nhanh sẽ có nhiều việc để làm hơn là nhiều người để làm. Khi công ty tăng trưởng chậm, không có nhiều việc để làm và quá nhiều người tranh giành. Google còn nhỏ bé và lộn xộn, nhưng đó là một chiếc hỏa tiễn.

Các công ty khởi nghiệp giờ mọc lên như nấm, làm sao biết đâu là “hoả tiễn”, đâu là “sao xẹt”?

Đời mình chưa may mắn ngồi trên cái hỏa tiễn nào hết. Khuyên đâm ra vô duyên 😉. Các công ty khởi nghiệp từ những con người Việt: VNG (tiền thân Vinagame), Thế giới di động…là những hỏa tiễn trong quy mô vừa phải.

Nhưng điều chắc chắn, là khi các bạn chọn công ty khởi nghiệp, phải sẵn sàng chấp nhận “sự mờ ảo” của những đám sương mù, mà phải đi qua đó, mới thấy được ánh bình minh, nếu có!

“Sự mờ ảo” thường bao gồm: lương thấp, công việc không rõ ràng, vai trò bất nhất, không rõ ai là sếp mình.
“Ánh bình minh” là: vị trí chủ chốt trong công ty, thu nhập tốt, cổ phần trong công ty…

Tiền không còn là yếu tố quan trọng lúc này, mà là con người, hay chính xác là tầm nhìn của người dẫn đầu. Lúc này, cái bạn chọn không phải là công ty, mà chính là một minh chủ để theo.

Nên đừng hỏi tại sao lương mình mãi không tăng. Mà phải thật sự ngồi xuống để đánh giá mình và công ty mình đang làm, nhìn ra những khoảng trống/khoảng cách/chênh lệch giữa mong muốn của bản thân và thực tế công ty. Tin rằng sẽ có nơi để bạn thuộc về!

Đặng Lan Hương
13/12/2018

47689029_2251863165050836_5447369929902784512_n

Đặng Thị Lan Hương

View posts by Đặng Thị Lan Hương
Hương mong muốn nâng cao chất lượng cuộc sống của cá nhân và gia đình bằng công việc của một người coach, giúp cho cá nhân nhận thức về cách tư duy, lối suy nghĩ, càm xúc và hành vi của bản thân, từ đó có những thay đổi đột phá cho công việc, cuộc sống cá nhân và gia đình.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to top